Giải mã thành công của Quảng Ninh trong thu hút đầu tư: Bài 1: Hấp dẫn nhà đầu tư nhờ quyết liệt cải cách hành chính
Với việc cải tiến hệ thống hành chính, công tác xúc tiến đầu tư và cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, Quảng Ninh đang trở thành một điểm đến lý tưởng của các nhà đầu tư cả trong và ngoài nước.
10 năm tìm phương thức phát triển
Trong điều kiện tình hình kinh tế của cả nước đang gặp nhiều khó khăn do đại dịch Covid-19, tốc độ tăng trưởng GRDP của Quảng Ninh vẫn tăng nhanh và bền vững qua các năm (bình quân 5 năm tăng 10,7%, quy mô nền kinh tế năm 2020 đạt gần 220 nghìn tỷ đồng, thu hút đầu tư khu vực tư nhân, khu vực FDI ngày càng cao, tốc độ tăng số doanh nghiệp thành lập mới giai đọan 2016-2020 nằm trong nhóm 16/63 địa phương dẫn đầu cả nước (tăng 53,1%). Đáng chú ý, Quảng Ninh đã nổi lên trở thành một tỉnh thu hút được các nhà đầu tư.
Có được kết quả đó là do các cơ quan chức năng của tỉnh Quảng Ninh đã sớm tập trung cải cách thủ tục hành chính (TTHC), rà soát, bổ sung và vận dụng các cơ chế chính sách; ban hành nhiều văn bản tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp, thúc đẩy thu hút đầu tư đồng thời làm rõ những trở ngại làm ảnh hưởng đến môi trường đầu tư kinh doanh của tỉnh và có biện pháp khắc phục, giải quyết nhanh chóng các TTHC cho người dân, doanh nghiệp theo phương châm "làm đúng, làm nhanh, làm tốt", nhất là thủ tục đầu tư về đất đai, quy hoạch, chủ trương đầu tư, bảo vệ môi trường, chuyển đổi mục đích sử dụng đất, xác định giá đất... giúp các doanh nghiệp yên tâm khi đầu tư tại địa phương.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh đã xác định cải cách hành chính tiếp tục là 1 trong 3 đột phá chiến lược, là nhiệm vụ trọng tâm, thường xuyên liên tục, tại Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XV, mục tiêu hàng năm giữ vững vị trí nhóm đầu về các chỉ số PCI, PAR Index, SIPAS và PAPI lần đầu tiên được đưa vào văn kiện Đại hội. Đồng thời, chính quyền số, TTHC trong môi trường điện tử, số hóa ngày càng được hoàn thiện.
Ông Nguyễn Xuân Ký - Bí thư tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Quảng Ninh - khẳng định: “Quảng Ninh được như ngày hôm nay là hành trình 10 năm liên tiếp tìm phương thức, triết lý phát triển, trong đó lấy cải cách, cải thiện môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh cấp tỉnh là khâu đột phá, động lực mạnh mẽ để thu hút nguồn lực ngoài ngân sách để thực hiện mục tiêu, chiến lược đã đề ra”.
Ứng dụng công nghệ thông tin, từng bước hiện đại hóa nền hành chính cũng đang được đẩy mạnh với mục tiêu phục vụ người dân, doanh nghiệp ngày một tốt hơn. Đến nay, tỷ lệ cung cấp dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, mức độ 4 là 1.724/1.871 tổng số TTHC, đạt trên 92,1% (trong đó mức độ 4 đạt 66%); cung cấp 1.180 dịch vụ công trực tuyến mức độ 3, 4 của tỉnh trên Cổng dịch vụ công quốc gia (đạt tỷ lệ 75%); đã có 176.966/406.820 hồ sơ được tiếp nhận, giải quyết trực tuyến mức độ 3 và 4, đạt tỷ lệ 43,5%.
Ông Phạm Tấn Công - Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) - đánh giá: Quảng Ninh rất thông minh khi xem chỉ số PCI là một thương hiệu để xây dựng hình ảnh, là một tiêu biểu trong xây dựng môi trường đầu tư kinh doanh. Không chỉ xây dựng môi trường kinh doanh mà Quảng Ninh còn đang phát triển một bản sắc riêng để tạo thành hình ảnh nhận diện riêng, xây dựng đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp Quảng Ninh không những mạnh về kinh tế mà còn mạnh về văn hóa”.
Tạo làn sóng đầu tư mới
Tỉnh Quảng Ninh định hướng nâng cao hiệu quả thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc, lấy chất lượng, hiệu quả, công nghệ và bảo vệ môi trường là tiêu chí đánh giá chủ yếu để sàng lọc. Trong đó, ưu tiên các dự án có công nghệ tiên tiến, công nghệ mới, công nghệ cao, công nghệ sạch, quản trị hiện đại, có giá trị gia tăng cao… Chính vì vậy, nhiều tập đoàn kinh tế lớn, có tiềm lực mạnh, có thương hiệu đã chọn Quảng Ninh làm địa điểm dừng chân.
Với sự vào cuộc của tất cả các ban ngành liên quan, nhiều cuộc tiếp xúc giữa chính quyền và doanh nghiệp đã được tổ chức, nhờ đó, nhiều khó khăn, vướng mắc của các doanh nghiệp đã được kịp thời tháo gỡ, nhiều chính sách được ban hành phù hợp với tình hình thực tế. Thời gian xem xét và cấp giấy chứng nhận đầu tư cho các dự án cũng được rút ngắn.
Điển hình như Dự án Tổ hợp công nghiệp phụ trợ ôtô Thành Công - Việt Hưng được đầu tư tại Khu công nghiệp Việt Hưng, TP. Hạ Long với quy mô 300ha. Theo báo cáo thẩm định của Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh, quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho những dự án đầu tiên của tổ hợp triển khai chưa đầy 24h kể từ khi Ban tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của 2 dự án thành phần. Đây cũng là kỷ lục mới về thời gian cấp giấy chứng nhận đăng ký đầu tư tại Quảng Ninh.
Tiếp đó, ngày 19/9 tỉnh Quảng Ninh tiếp tục trao giấy chứng nhận đăng ký đầu tư Dự án Công nghệ tấm Silic Jinko Solar Việt Nam cho Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam) tại Khu công nghiệp Sông khoai (thị xã Quảng Yên). Quá trình cấp giấy chứng nhận đầu tư cho dự án chỉ 4 ngày kể từ khi Ban quản lý Khu kinh tế tỉnh Quảng Ninh tiếp nhận hồ sơ đầu tư đầy đủ của dự án, sớm 15 ngày làm việc so với quy định của TTHC, tỉnh có ý kiến chấp thuận đến khi cấp Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư cho dự án chỉ trong 1 ngày làm việc, sớm 4 ngày làm việc so với quy định của TTHC.
Nhờ đó, một môi trường đầu tư thuận lợi, thông thoáng đã được tạo dựng, giúp giá trị sản xuất công nghiệp tăng cao, chuyển dịch cơ cấu kinh tế đúng định hướng. Các khu công nghiệp và cụm công nghiệp không ngừng được thành lập và mở rộng.
Theo ông Hoàng Kim Tinh - Tổng giám đốc Công ty TNHH Công nghệ Jinko Solar (Việt Nam): “Chúng tôi nhận được sự hỗ trợ rất lớn từ chính quyền địa phương, đặc biệt khi được cấp giấy phép đầu tư trước cả thời gian dự kiến. Quyết định đầu tư tại Quảng Ninh là hoàn toàn đúng”.
Có thể thấy, Quảng Ninh không chỉ hấp dẫn nhà đầu tư bởi các yếu tố khách quan như tài nguyên, khoáng sản, vị trí thuận lợi mà đang dần thu hút bởi những chính sách đầu tư hấp dẫn, thông thoáng và an toàn, tạo làn sóng đầu tư mới, dần khẳng định hướng đi đúng đắn của tỉnh.
Tỉnh Quảng Ninh dự kiến đến năm 2025, 90% giao dịch trên Cổng dịch vụ công và Hệ thống thông tin một cửa điện tử cấp tỉnh, cấp huyện, cấp xã được xác định danh điện tử; tỷ lệ hồ sơ nộp qua mạng và giải quyết theo dịch vụ công mức độ 4 trên tổng số hồ sơ toàn tỉnh có thể đạt tối thiểu 70%. Trung tâm điều hành thành phố thông minh phục vụ công tác lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành toàn tỉnh; gắn kết phát triển dịch vụ đô thị thông minh với hệ thống chính quyền điện tử, phát triển bền vững theo mô hình kinh tế tuần hoàn.
Nguồn: Báo Công Thương